Ăn dặm kiểu Nhật và các những thắc mắc thường thấy của các mẹ | Nubi Store - Sữa, thực phẩm, đồ dùng ăn dặm cho bé

Ăn dặm kiểu Nhật và các những thắc mắc thường thấy của các mẹ

Đăng bởi TRẦN HOÀNG HƯƠNG TRANG vào lúc 08/01/2020

Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp tổng hợp thực đơn ăn dặm cho bé một cách đầy đủ các chất dinh dưỡng và kích thích hệ tiêu hóa của bé hoạt động một cách trơn tru. Thế nhưng, các mẹ hay bối rối về những điều vừa nghe, vừa đọc trên internet mà không có một chương trình nghiên cứu về phương pháp ăn dặm này. Dưới đây Nubi Store xin giải đáp một số thắc mắc của các mẹ khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật để các mẹ có thể áp dụng thành công phương pháp ăn dặm này cho bé yêu nhà mình, mời các mẹ cùng tham khảo nhé!

1. Lúc nào có thể cho bé ăn dặm kiểu Nhật?

Theo lý thuyết bé sẽ ăn dặm khi đã đủ 5 tháng tuổi. Trên thực tế các mẹ nên bắt đầu cho con ăn dặm khi con đã có những biểu hiện như: thèm ăn, đòi thức ăn khi thấy người lớn ăn, biết cách ngậm thìa tương đối…Có nhiều bé đòi ăn sớm nhưng cũng có bé vẫn chưa sẵn sàng cho việc ăn dặm, vì thế mẹ phải là người hiểu tâm lý của con và đáp ứng nhu cầu ăn dặm của con. Thời gian lý tưởng để khởi động ăn dặm cho bé là đủ 5 tháng tuổi cho đến 6 tháng tuổi.

2.  Trước khi bắt đầu chính thức ăn dặm thì nên cho bé ăn gì?

– Hoa quả, sinh tố hoa quả: Hoàn toàn có thể cho bé măm hoa quả khi bé đã đủ 4 tháng tuổi. Các mẹ có thể lựa chọn sinh tố hoa quả có sẵn như của Hipp chẳng hạn, hoặc tự làm sinh tố hoa quả cho bé. Nhớ nấu chín hoa quả rồi mới cho bé ăn. Bé 6 tháng mới được ăn hoa quả trực tiếp. Một số loại hoa quả tốt cho bé như: táo, lê, kiwi, bơ, chuối, mận tây, cherry, dâu tây…Lưu ý một số loại quả có vị chua như cam, chanh leo, bưởi…thì nên cho ăn muộn hơn (tầm 8 tháng), nên pha loãng rồi mới cho bé uống để acid không làm hại dạ dày của con.

– Bột ngọt/bột ăn liền/bột sữa: Trong hướng dẫn ăn dặm kiểu Nhật chuẩn không nhắc đến vấn đề ăn bột vì bên đó họ cho ăn cháo thẳng luôn, không qua công đoạn này. Tuy nhiên để phù hợp với thói quen ăn uống của người Việt mình thì các mẹ có thể cho bé măm bột. Coi như đây là cách để bé làm quen với thức ăn đặc hơn sữa và làm quen với thìa. Nhưng thời gian ăn bột không nên kéo dài vì sẽ khiến bé có phản xạ nuốt chứ không nhai. Tốt nhất là cho bé ăn bột trong khoảng 1 tuần, sau đó dừng ăn bột ngọt khoảng 1 tuần nữa để bé quên đi vị ngọt. Lúc đó mới chính thức cho bé ăn dặm.

– Cà rốt tráng đường ruột: Đây là một mẹo mà nhiều mẹ mách nhau, bằng cách lấy nước ép cà rốt hoặc cà rốt nghiền cho bé ăn liên tục trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần trước khi ăn dặm, mỗi ngày 5-10ml. Tác dụng của việc ăn cà rốt là để giúp bé ổn định đường ruột, sẵn sàng đón nhận các loại thực phẩm khác nhau, tránh việc bị đau bụng hay rối loạn tiêu hóa sau này.

3. Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, cần những dụng cụ như thế nào?

– Nồi ủ/nồi áp suất/bình thủy nhiệt:

Nồi ủ có nhiều loại, các mẹ có thể lựa chọn tùy theo khả năng kinh tế của gia đình mình. Nồi ủ chức năng chính của nó là hầm nước dùng, hoặc nấu cháo rất ngon, ko tốn nhiệt và thời gian. Ví dụ các mẹ đặt nồi nấu cháo từ tối, bỏ vào ủ, sáng sau ngủ dậy là có nồi cháo hầm nhừ sánh ngon rồi. Nồi áp suất thì ko cần phải giới thiệu nhé. Còn bình thủy nhỏ hoặc đơn giản là mua 1 phích nước Rạng Đông loại nhỏ, ngâm gạo khoảng 1 tiếng rồi cho vào phích, đổ nước nóng theo đúng tỷ lệ, qua 1 đêm là có cháo ngon tuyệt rồi, rất đơn giản.

– Bộ chế biến ăn dặm kiểu Nhật:

Giúp các mẹ tiết kiệm thời gian chế biến thức ăn mỗi ngày cho bé một cách dễ dàng hơn với đầy đủ các dụng cụ, cối, chày, rây, dụng cụ vắt nước cam… trong cùng 1 bộ sản phẩm cho phép mẹ nghiền, giã, mài nát thức ăn trước khi cho bé ăn. Sản phẩm rất đa dạng với nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Pigeon, Combi, Farlin, KuKu, Richell…giúp mẹ thoải mái lựa chọn.

– Ghế ngồi: RẤT QUAN TRỌNG!!!

Nguyên tắc của ăn dặm kiểu Nhật là bé ngồi ăn 1 chỗ, trong không gian yên tĩnh, tập trung, ít người qua lại, không đồ chơi, không tivi. Bởi vậy chuẩn bị 1 cái ghế ngồi phù hợp với bé và không gian của gia đình là rất cần thiết. Nếu bé chưa ngồi vững thì có thể dùng gối, chăn mềm để chèn giúp bé ngồi vững hơn. Nếu chưa kịp mua ghế thì chồng chăn hoặc gối cao lên để bé ngồi dựa vào theo kiểu nửa nằm nửa ngồi. Mẹ lưu ý không nên bế bé trong lòng để ăn dặm nhé! Thời gian ăn cũng ko nên kéo dài để tránh cho bé bị mỏi. Hiện có nhiều loại ghế có thể điều chỉnh độ cao thấp, độ ngả của lưng ghế phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

4. Tại sao ăn dặm kiểu Nhật lại phải nấu riêng các món?

– Ăn dặm kiểu Nhật có ưu điểm là không nấu chung các món (hầu hết) mà riêng rẽ từng thứ ngay từ lúc bé mới tập ăn. Mục đích là để bé có thể làm quen và nhận biết hương vị của các thực phẩm một cách rõ ràng nhất, từ đó mẹ sẽ biết bé thích món gì, không thích món gì cho lắm hay có dị ứng với thực phẩm nào hay không (mà nếu trộn chung thì có lẽ bé khó phân biệt hơn).

– 2 tháng đầu tiên ăn dặm các mẹ cố gắng cho con ăn riêng nhiều nhất có thể, thử qua hầu hết các loại thực phẩm được phép ăn để biết sở thích của bé. Sau thời gian đầu đó thì có thể linh động lúc ăn riêng, lúc ăn chung để đa dạng món ăn cho bé, tạo sự hấp dẫn cho bữa ăn.

5. Ăn dặm kiểu Nhật thấy làm nhiều món lích kích như vậy, mẹ không có thời gian thì có cho bé áp dụng được không?

–  Mặc dù nghe có vẻ lích kích, nhưng nếu biết cách chế biến và sắp xếp thời gian, thì việc cho con ăn dặm nói chung, và ăn dặm kiểu Nhật nói riêng thật ra rất nhàn và nhanh chóng. Bởi vì các mẹ được phép đông lạnh thực phẩm, lại có lò vi sóng hỗ trợ nên khi đã vào guồng thì thời gian chế biến rất nhanh, chỉ tầm 10-20p là xong bữa ăn cho bé.

– Thêm nữa, các món nghe có vẻ cầu kỳ, nhưng hầu hết đều là hấp hoặc luộc hoặc nấu canh, với vị ngọt tự nhiên của thực phẩm chứ hầu như ít nêm nếm gia vị khác bên ngoài, do đó chế biến đều rất nhanh + dễ làm.

6. Nên chế biến thức ăn cho bé như thế nào để vừa đảm bảo dưỡng chất lại không mất thời gian?

– Đối với các bé giai đoạn đầu mới tập ăn dặm, vì lương ăn của các bé còn ít nên để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể chế biến nhiều một lúc rồi trữ lạnh. Như vậy sẽ không mất thời gian mỗi lần nấu. Cách trữ lạnh như sau:

+ Cháo: các mẹ có thể nấu cháo theo đúng tỷ lệ (1:10; 1:9…) với lượng lớn, rây lưới nhuyễn đúng độ thô bé ăn rồi chia vào từng hộp nhỏ vừa lượng theo từng bữa, trữ ngăn lạnh trong khoảng 4-7 ngày. Lưu ý là mẹ phải để cháo nguội hoàn toàn mới cho vào ngăn lạnh, và nên rây nhuyễn cháo trước khi làm đông lạnh để tiết kiệm thời gian và tránh trường hợp cháo bị lại gạo khi rã đông sẽ khó rây nhuyễn hơn.

+ Các loại thịt bò, gà, lợn mua tươi về nên được chế biến ngay lập tức: Trần qua nước sôi nóng già có bỏ chút gừng để loại bỏ tạp chất và mùi hôi, thấm khô rồi xay/bằm nhỏ tùy vào độ thô mà bé đang ăn. Sau đó chia thịt thành từng viên vừa bữa bé ăn, bỏ trong hộp nhựa hoặc gói trong nilon bọc thực phẩm riêng rẽ, cũng trữ ở ngăn lạnh. Cũng có thể chia thịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi cấp đông. Lúc cần ăn thì lấy miếng thịt đó ra mài. Thịt trữ ngăn lạnh nên dùng trong vòng 1 – 2 tuần.

+ Nước dùng: Nước hầm từ xương sườn lợn, nước luộc gà (để ngăn mát tủ lạnh để loại bỏ mỡ, chỉ lấy phần nước trong) hay nước dashi (làm từ cá bào, rong biển, một số loại củ) nên để nguội, cho vào khay đá và trữ đông để dùng dần.

+ Rau củ, nhất là các loại rau có lá thì nên chế biến tươi. Nhưng nếu mẹ nào không có thời gian thì vẫn có thể xay mịn trữ đông để làm dạng súp rau đều được.

+ Các loại thủy hải sản như cá, tôm, cua sơ chế cấp đông theo dạng từng miếng hoặc viên nhỏ theo khẩu phần ăn của con. Mỗi lần ăn chỉ cần lấy 1 miếng ra rã đông rồi chế biến là được.

– Tới mỗi bữa bé ăn, chỉ cần mang cháo + nước dùng ra giải đông, rồi đun liu riu cho cháo nóng + sánh lại. Hoặc làm nóng bằng lò vi sóng trong 1-2 phút. Thịt cá cũng mang ra giải đông, mài nát rồi hòa với nước lạnh cho tơi và lọc bỏ nốt gân xơ rồi mới chế biến. Rau thì hấp nguyên miếng (nguyên cành) cho chín, rồi mới bằm nhỏ tới độ thô bé ăn.

Như vậy chế biến 1 bữa ăn dặm cho bé, mất tối đa là 20 phút nếu mẹ làm chậm và nhiều món khác nhau.

7.  Đông lạnh thực phẩm như vậy liệu có mất chất không?

– Câu trả lời là hoàn toàn không nếu chúng ta đông lạnh đúng cách nhé.

– Nguyên tắc đông lạnh: Sơ chế khi thực phẩm tươi nhất có thể, nếu nấu chín thì phải để nguội mới cho vào ngăn đông. Đảm bảo thời gian đông lạnh đủ 24 tiếng. Không nên lẫn lộn thức ăn chín và sống. Sử dụng hộp bảo quản có nắp đậy cho từng loại thực phẩm riêng biệt trong ngăn đông.

8.  Làm sao để tập phản xạ nhai cho con?

– Bước 1:

Tập cho con ăn thô bằng đậu phụ (hoặc bất cứ thức ăn gì mềm, dễ nuốt mà bé thích: trứng chiên, đậu xanh nghiền, khoai tây/khoai lang hấp). Nhưng nên dùng đậu phụ, vì nó lành, dễ tiêu, mà cũng dễ chuẩn bị. Cho bé ăn bắt đầu từ bước nghiền nhuyễn (giống như khi xay cháo í). Xong tiến tới nghiền rối hơn 1 chút chút thôi (ví như xay bình thường là nhấn 5 lần, thì giờ chỉ nhấn 4 lần thôi). Nghe ngóng phản ứng của con. Rồi tiến tới là cho con cả miếng to bằng 1/2 đầu đũa để con tự nhai nhỏ đến độ thô con có thể nuốt đc, ko nuốt chửng mà gây ọe nữa.

Đích là con phải có thể ăn miếng đậu mà mẹ xắn theo kích thước nào cũng đc, cho vào mồm con thì con sẽ có phản xạ nhai nhỏm nhẻm rồi tự nuốt chứ ko nuốt chửng để ọe nữa.

– Bước 2: Trộn cháo

Cách này là để bé quen ăn cháo có độ thô hơn. Vì nhiều bé ăn đậu phụ vã thì nhai rất tốt, nhưng ăn cháo hơi lợn cợn ko mịn thì vẫn bị ọe. Đó là vì các bé luôn có phản xạ “ăn cháo là chỉ phải nuốt chứng” mất rồi.

Trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ múc 1 thìa súp cháo nguyên hạt đê riêng, xay rối /nghiền/rây hơn độ mịn bé vẫn ăn 1 tẹo. Sau đó mẹ trộn từ từ chỗ cháo xay rối đó vào cháo của con, bằng cách múc riêng từng bát cháo, mỗi bát cháo chỉ trộn 1/2 thìa  cháo rối vào thôi. Từ từ để nghe ngóng phản ứng của con. Nếu bé có dấu hiệu ọe là dừng lại ngay.

– Bước 3: Tiếp tục luyện cho con ăn thô bằng đậu phụ

2 -3 ngày sau lại tiếp tục trộn cháo như vậy cho con. Có thể lần này bé sẽ ko ọe, hoặc chỉ hơi có dấu hiệu ọe thôi. Lúc đó mẹ có thể cho bé uống 1 chút nước để giúp bé ko bị ọe mà chịu nuốt miếng cháo đó. Trong lần thử thứ 2 này, nếu bé ăn được hết 1/2 chỗ cháo trộn mà chỉ hơi muốn ọe 1 -2 lần là ổn. Cứ kiên nhẫn như vậy đến khi con ăn đc hết lượng cháo rối mẹ trộn vào. Sau đó thì từ từ tăng lượng cháo rối lên. Đến khi lượng cháo xay rối chiếm 1/2 – 2/3 lượng con ăn thì tiếp tục nâng độ thô của cháo sẽ trộn lên 1 mức.

Đích là bé đến 9 tháng phải ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ, và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn là được.

9. Bé ăn dặm thấy đi ngoài nhiều lần trong ngày, liệu có làm sao không?

– Nếu bé ko có các biểu hiện sau: phân đi lỏng, mùi tanh, có chất nhầy, có kèm máu…thì yên tâm là bé ko bị đau bụng.

– Bé đi nhiều lần khi đã ăn dặm chứng tỏ bé tiêu hóa tốt, đủ lượng thì đẩy ra ngoài.

10. Có nên tăng lượng, tăng bữa vượt chuẩn?

Tuyệt đối ko nên để bé ăn quá nhiều lượng cho phép, vì những lý do sau:

+ Hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng để tải toàn bộ lượng thực phẩm mà bé dung nạp. Về lâu dài khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, kém dần đi.

+ Ăn quá nhiều trong một thời gian dài sẽ khiến bé nhanh chán, dễ có xu hướng lâm vào tình trạng biếng ăn sinh lý sớm hơn những trẻ khác.

+ Ăn quá nhiều khiến các bộ phận cơ thể non nớt của con làm việc liên tục, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ.

 Vì vậy: Dù bé có thích đến mấy thì các mẹ cũng cần khống chế lượng ăn của con theo đúng quy định

11. Con không chịu uống sữa, liệu có thể lấy ăn dặm bù vào?

– Bé dưới 1 tuổi thức ăn chính vẫn là sữa, sữa là ưu tiên hàng đầu

–  Dù bé ăn ít sữa thì vẫn không nên lấy ăn dặm bù, lượng ăn dặm vẫn phải khống chế đúng chuẩn.

– Tăng cường các món ăn có sử dụng sữa làm nguyên liệu.

Bình luận (2 bình luận)
binh-luan

💚 Jean want to play with you! Start play: http://inx.lv/NoVW?h=97c2276fa1f493202c3adf7acfea1d94- 💚

13/04/2022

z0uf5y

binh-luan

Thu Phuong

02/09/2021

Bài viết rất hữu ích. Cảm ơn shop !!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Nubi Store - Sữa, thực phẩm, đồ dùng ăn dặm cho bé
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn